Theo dự báo của tổ chức LMC và Fredonia, nhu cầu lốp xe thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 3 – 4%/năm trong giai đoạn 2018 – 2020. Riêng tốc độ tăng trưởng về giá trị của thị trường săm lốp Việt Nam được dự báo sẽ đạt khoảng 8%/năm trong giai đoạn 2018 –2020, cao gấp 2 lần so với mức bình quân của thế giới.
Thế giới: Tăng trưởng 3 – 4%/năm
Động lực tăng trưởng cho ngành săm lốp thế giới trong những năm tới đến từ các thị trường đang phát triển như châu Á –Thái Bình Dương và đặc biệt là Trung Quốc. Các thị trường này được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 6% trong giai đoạn 2018 –2020 và đóng góp trên 70% vào tổng mức tăng trưởng của toàn thế giới. Trong đó, riêng Trung Quốc sẽ đóng góp tới 40%, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9%/năm.
Thị trường săm lốp thế giới có mức độ tập trung cao. 5 doanh nghiệp lớn nhất chiếm trên 50% thị phần săm lốp toàn cầu. 4 quốc gia sản xuất săm lốp lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 55% tổng sản lượng sản xuất. Khoảng trên 25% lượng tiêu thụ lốp xe ô tô hàng năm đi qua kênh lắp ráp theo xe mới (OEM), và 75% còn lại được tiêu thụ cho mục đích thay thế (Replacement) thông qua hệ thống đại lý phân phối, cửa hàng.
Thị phần săm lốp thế giới.
Lốp xe ô tô con và xe thương mại hạng nhẹ chiếm 87% sản lượng tiêu thụ hàng năm, 13% còn lại thuộc về lốp xe thương mại hạng nặng như xe tải, xe khách. Từ nay tới năm 2020, nhu cầu lốp xe con và xe thương mại hạng nhẹ được dự báo sẽ tăng 4,5%/năm.
Radial hóa là xu hướng tất yếu. Tại các thị trường phát triển, tỉ lệ sử dụng lốp radial đạt trên 90%. Xu hướng radial hóa đang và sẽ còn diễn ra mạnh mẽ ở các thị trường đang phát triển, những nơi có tỉ lệ sử dụng lốp radial còn thấp và cơ sở hạ tầng đang phát triển nhanh.
Hiện trên thị trường Việt Nam có 3 doanh nghiệp ngành săm lốp nội địa đã định hình thương hiệu với người tiêu dùng là Công ty CP Cao su miền Nam (Caosumina – CSM) tại thị trường miền Nam, Công ty CP Cao su Sao vàng (SRC) tại miền Bắc và Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) tại thị trường miền Trung.
Tốc độ tăng trưởng về giá trị của thị trường săm lốp Việt Nam được dự báo sẽ đạt khoảng 8%/năm trong giai đoạn 2018 –2020, cao gấp 2 lần so với mức bình quân của thế giới, đồng thời cũng cao hơn mức bình quân 6% của nhóm thị trường đang phát triển.
Thị phần săm lốp của doanh nghiệp Việt Nam.
Năng lực tự chủ nguồn nguyên vật liệu của ngành săm lốp trong nước còn thấp nên hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào biến động giá nguyên vật liệu, biến động tỉ giá và lãi suất. Cơ cấu sản xuất, phân khúc sản phẩm và thị trường mục tiêu có sự phân hóa tương đối rõ ràng giữa các doanh nghiệp. Nhóm doanh nghiệp FDI phần lớn tập trung vào các sản phẩm lốp radial cho xe ô tô con để phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Nhóm doanh nghiệp nội địa có danh mục sản phẩm đa dạng và phần lớn doanh thu do thị trường trong nước đóng góp.
Việt Nam không nằm ngoài xu hướng radial hóa. Hiện tại, tỷ lệ sử dụng lốp radial cho ô tô ước tính đạt 50 – 60%. Với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại, nhu cầu cho các dòng lốp radial trong tương lai sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Các doanh nghiệp săm lốp nội địa đang tập trung vào phân khúc lốp ô tô tải. Với năng lực cạnh tranh trong phân khúc lốp radial cho xe ô tô con còn thấp, các doanh nghiệp nội địa đang nhường phân khúc có dư địa tăng trưởng cao nhất này cho các doanh nghiệp FDI và sản phẩm nhập khẩu.
Ông Trần Minh – Trưởng Ban Công nghiệp VRG, cho biết: “Nhu cầu phương tiện đi lại ngày càng tăng theo đà tăng trưởng kinh tế và mức sống người dân, cùng với quyết tâm của Chính phủ với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp phụ trợ sẽ tạo nên tiềm năng tăng trưởng mạnh cho phân khúc săm lốp ô tô. Đây cũng là động lực tăng trưởng chính cho ngành săm lốp Việt Nam trong dài hạn”.
immonople
10/05/2022